KyThuatQGNTSaiGon  
 
  Kỳ Vọng Cuả Ân Sư Tôi 04/23/2024 7:02am (UTC)
   
 

 
 


Suốt cuộc đời học sinh và sinh viên tôi đã được may mắn học với khá nhiều Thầy giỏi, từ các Frères rât tận tụy, gương mẫu trường Pellerin, Huế (thuộc dòng Jean Baptiste de la Salle), những vị đã ân cần chỉ dạy tôi và đã ảnh hưởng rất lớn đến sự chọn lựa nghề nghiệp của tôi sau này, đến các giáo sư đại học Việt Nam và Hoa Kỳ, hầu hết đều là những vị suốt đời gắn bó với ngành giáo dục.  Các vị là gương sáng cho tôi neo theo trong suốt cuộc đời dạy học của tôi bắt đầu từ niên khóa 1960-1961 cho đến naỵ  Rất tiếc là phần lớn các vị đều đã qua đờị  Một vài vị tôi còn giữ liên lạc được ở California thì đã hưu trí.

Trong số những bậc Thầy đã đi qua đời tôi, đặc biệt có một người đã để lại trong tôi rất nhiều lưu luyến, thương tiếc vì lúc sinh tiền Ông đã đến với tôi như một ân sư.  Ông không hướng dẫn tôi phần chuyên môn ở đại học, liên hệ đến các ngành ngôn ngữ học, ngữ âm học, ngữ vị học, hay ngữ nghĩa học mà tôi đã phải mất nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểụ  Những điều Ông nói với tôi cũng không liên hệ gì đến các môn phương pháp luận, tâm lý giáo dục, tâm lý-ngôn ngữ học, hay xã hội-ngôn ngữ học, những môn học đã giúp tôi trở thành một giáo sư Anh ngữ.  Nhưng Ông đã có công dẫn dắt tôi trong những bước đầu đi tìm một pháp môn giải thoát phiền nảo, khổ đau dựa trên cơ sở những lời Phật dạy.

Chuyện tôi muốn kể lại ở đây là sự tình cờ lý thú đã cho tôi cái cơ duyên được biết đến Ông để rồi từ đó bắt đầu những năm tháng được Ông san sẻ những kinh nghiệm quý báu về đời cũng như về đạọ  Sau này mỗi lần nghĩ nhớ đến Ông, tôi cho là do số phần may mắn tôi mới được gặp gở Ông sau sáu năm đi tù cải tạo về.  Tên Ông là Trương Khuê Quan, Bác sỹ, Viện trưởng Viện Quốc gia Nghĩa tử thời Đệ nhị Cọng Hòa  Ông gốc người Miền Nam.  Qua quá trình tu tập và nghiên cứu kinh sách, lịch sử Phật giáo Việt nam cũng như qua các liên hệ với các vị lảnh đạo Phật giáo trước 1975, ông có một tầm hiểu biết thâm sâu về Phật giáo và sự phát triển của Phật giáo Việt Nam.  

Sau khi từ trại tù Gia Trung nằm trong thung lũng An Khê về lại Sài gòn vào tháng 5.1981 được vài tháng tôi bắt đầu tìm cách đi dạy kèm để kiếm sống, đồng thời cũng để dễ xin vào hộ khẩu cho gần gia đình.  Những năm đầu thập niên 1980 còn nhiều vất vả, khó khăn như bao nhiêu anh em khác được thả về trước tôi đã chịụ  Mãi đến khoảng giữa thập niên 1980, khi tình hình kinh tế quá suy sụp, chính quyền cọng sản đầu tắt, mặt tối với những phương cách kiếm ăn, bắt đầu bớt chú ý đến thành phần học tập cải tạo về, từ đó sự kiểm soát cũng bớt gắt gao, khắc nghiệt, và những anh em như tôi mới có thể tạm sống bằng nghề dạy kèm, tuy không được phép chính thức.

Kèm từng nhóm khoảng 10 em, biến phòng khách nhà mình thành lớp học, vừa kèm vừa lo sợ nơm nớp, không biết Phường, Quận có để yên cho hay không.  Lại nữa mỗi Phường, mỗi Quận nóng lạnh khác nhaụ  Bởi thế anh Phạm Kế Viêm ở Quận 3 dạy tại nhà mà lớp đông như các lớp tư trước 1975, còn tôi ở Quận Phú Nhuận chỉ dám nhận rất ít, tùy vào sự “thông cảm” của công an khu vực và tài “vận động ngoại giao” của nhà tôị  Luồng lách trong những điều kiện như thế mà sống cho đến tháng 1.1990 mới được qua Hoa Kỳ theo diện HO.

            Các lớp tôi dạy vào thời đó không có khai giảng, không có mản khóa. Các em cứ học liên tục.  Em nào may mắn “ra đi” yên ổn sẽ được thay thế bằng một em khác có trình độ gần tương đương, cứ thế mà tiếp tục.  Sau một thời gian dạy hết các bộ sách còn tìm được ở các chợ sách cũ (như Essential English, English 900, English for Today …) tôi đánh bạo photocopy các essays từ tuần báo Newsweek hoặc Times để dạy các em.  Các báo này tôi thuê được từ mấy tay cho thuê lậu, mỗi số được  đọc trong vòng 24 giờ rồi phải trả lại để họ cho người khác thuê.  Các tay này có được báo là nhờ móc ngoặc với an ninh phi trường Tân Sơn Nhất.  Có mấy ai biết được cái nghề mới cho thuê báo ngoại ngữ lậu vào thời đó!

Vì lớp học kéo dài nhiều năm mà tài liệu giới hạn, tôi còn xử dụng đến các kịch bản, hồi đầu là những kịch bản một màn (one-act plays), kế đó là những kich dài như Death of a Salesman (Arthur Miller), The Glass Menagerie (Tennessee Williams), hay Pygmalion (George Bernard Shaw).  Một giai thoại đáng nhớ có liên quan đến  GS Trương Văn Thuận (Khoa Anh Văn, Văn Hoá Vụ/TVBQG) là khoảng năm 1983 tôi có chọn một kịch bản được chuyển thể từ một truyện ngắn của Nathaniel Hawthorne có tên là Dr. Heidegger’s Experiment  hay The Fountain of Youth để in roneo vào một tập tài liệu dành cho các lớp Anh Văn cao cấp ở Trung Tâm Bồi Dưỡng Bách Khoa  Kịch bản này được lấy ra từ tập People, Places and Opinions của 3 tác giả Swain, Bailey, and Leavell (1961), một cuốn cách được soạn để dạy các nhân viên làm việc cho Liên Hiệp Quốc.

The Fountain of Youth (Suối Trường Sinh) là một cuộc thí nghiêm xem thử khi về già được uống nước suối trường sinh và trẻ lại, liệu ta có hành động,ứng xử khôn ngoan hơn không hay vẫn nông nổi, liều lĩnh, và điên rồ như thời trẻ dại  Kết quả là các nhân vật trong kịch sau khi được trẻ lại cũng vẫn giữ nguyên vẹn thói hung hăng, thiếu suy nghĩ chính chắn như bao nhiêu người trẻ tuổi khác. Có điều là một trong những  nhân vật trong kịch ngày trước là một chính trị gia bây giờ trẻ lại vẫn giữ nguyên lề thói cũ và trong lúc say sưa vận động đã có lúc thét lên “Đả đảo độc tài!  Đả đảo cọng sản!” (Down with tyranny!  Down with communism.)  Tôi chỉ lựa bài tùy theo độ khó của bài học mà quên mất cảnh giác về sự nguy hiểm có thể gặp phải vì nội dung chính trị.  Thế mới biết không có cặp mắt của một chính trị viên cọng sản (political commissar) hay một nhân viên kiểm duyệt văn hóa phẩm làm sao để ý thấy những chi tiết như vậy!

Sau khi sách in xong và bán cho học viên, một số học viên của Thuận báo cho Thuận biết sự nguy hiểm nói trên và anh em trong Trung Tâm Bồi Dưỡng Bách Khoa hồi đó đã kịp thời thu hồi tất cả và hủy đi.Tôi là người lựa bài, dỉ nhiên phải lảnh chịu trách nhiệm nếu như vụ sơ xuất này không được thông cảm, bỏ quạ  Dù sao trong những ngày tiếp theo sau đó tôi cũng đã sống trong phập phòng, lo lắng, vì tai họa trời giáng có thể xảy đến bất cứ lúc nàọ  

Kể lại giai thoại trên là để nói tiếp trong hoàn cảnh nào Bác Sỹ Trương Khuê Quan đã đến với tôi và sau đó trở thành ân sư của tôị  Số là Bác Sỹ Quan có một người con gái theo học với tôi tên là Trương Thùy Trang.  Vào những dịp Lễ, Tết, các lớp học với tôi thường chọn tập một vở kịch ngắn đã học để trình diễn cho nhau xem, và lớp của Trang cũng thế.  Đây là một loại hình sinh hoạt tôi khuyến khích để các em phát triển thêm về kỷ năng nói tiếng Anh cho trôi chảy, lưu loát, tự nhiên.  Sau khi dự một buổi trình diễn như thế, ngày 31.10.1985 Ông đã viết cho tôi một lá thư với nhận xét như sau:

“Thầy là một Giáo sư Anh Văn. Trách vụ của Thầy là dạy cho các học sinh nói được tiếng Anh đúng văn phạm, diễn tả tư tưởng, ý muốn, tình cảm càng gần giống người Anh càng tốt. Về mặt này, phải nói là Thầy đã thành công.  Tết năm rồi, tôi có dịp làm khán giả của một vở kịch do các học sinh diễn xuất bằng tiếng Anh, và đã có cảm nghĩ rằng tất cả diễn viên là những bông hoa xương rồng trong bãi sa mạc.  Tôi đã trải qua những phút thích thú bất ngờ.  Nếu sự việc xảy ra ở Trường Đại học Michigan thì đó không làm cho tôi kinh ngạc. Nhưng vở kịch đã được đóng tại Việt Nam, do học viên bản xứ diễn xuất.  Phải nói đó là một điều lạ lùng.  Nhất là tại Việt Nam năm 1985.”

Đoạn thư trên cho thấy Bác Sỹ Quan đã nhận xét rất xác đáng về “trách vụ” của một người dạy ngoại ngữ, nhưng Ông không chỉ ngừng lại ở đó mà còn nhiều gơi ý khác rất đáng trân trọng:

“Tôi cảm thấy cần phải gởi lời khen tặng Thầy, đồng thời đóng góp với Thầy một vài ý kiến xây dựng.  Tôi không có dịp tiếp xúc để đánh giá các học viên khác, nhưng về cháu Trang so với hai năm trước đây thì phát âm đúng đắn, ngữ vựng dồi dào, kiến thức về văn hóa Mỹ Quốc kể cũng tạm đủ. Ngay từ bây giờ, cứ ném cháu vào xã hội nước Mỹ, chắc chắn là cháu sẽ không còn bở ngở, rut rè như cách đây hai năm.  Tuy nhiên, theo ý riêng tôi, thì sở học con người không chỉ đóng khung trong sự thông thạo ngôn ngữ, một phương tiện truyền thông tư tưởng không thôị  Trên việc thông thạo ngoại ngữ còn có việc lợi dụng tiếp thu ngoại ngữ để nâng cao giá trị tinh thần con người, đồng thời nói lên cho được những ưu điểm của nền văn hóa dân tộc.  Ai đi học tiếng Mỹ cũng kỳ vọng tìm được sinh kế bên đó.  Có mấy ai học tiếng Mỹ để khi sang được Mỹ, hội nhập vào xã hội Mỹ đến mức độ đóng góp vào nền văn minh đó, làm cho nó thêm phần phong phú bằng tinh hoa của văn hóa dân tộc mình.  Ngữa tay thu nhận dầu sao cũng không bằng ra tay đóng góp xây dựng.  Đó là loại hội nhập tích cực (integration active et positive).  Tôi coi đó như là một lý tưởng của thành phần người Việt ra đi “trong vòng trật tự.”  Nói như vậy sẽ có người cho rằng tôi bàn việc lên cung trăng.  Nhưng Napoleon đã nói, từ “impossible” không có trong tự điển nước Pháp, và Louis Armstrong đã chọn định nghĩa của Napoleon làm đơn vị cho cuộc đời của anh tạ  Và anh ta đã thành công.”

Vào thời điểm 1985 tại Việt Nam, trong một xã hội bưng bít, ngột ngạt, mấy ai thấy được ánh sáng tương lai, mà Ông vẫn nhắn nhủ những người đang học ngoại ngữ chuẩn bị từ giả quê hương rằng quá trình hội nhập trên đất mới phải là một quá trình “tích cực”, thật quả là một cái nhìn đầy lạc quan, xây dựng.  Ông viết tiếp:

“Nhân tiện tôi xin kể lại một tỷ dụ hội nhập thành công của một người tỵ nạn, đó là Benedict de Spinozạ  Ông ta vốn là người Do Thái, gia đình lập nghiệp tại Y Pha Nhọ  Đến giữa thế kỷ thứ 17, vua Ferdinand nước này có ý định tịch thu tài sản của dân Do Thái nên ký sắc lịnh bắt buộc người Do Thái, nếu không bỏ đạo, theo Thiên Chúa Giáo, sẽ bị truất hữụ  Spinoza theo cha di cư vào đất nước Hòa Lan.  Ông ta từ bỏ tiếng mẹ, học chữ La tinh, bị excommunie ra khỏi đạo Juive, viết xong bộ Ethique nổi tiếng cho đến ngày naỵ  Tư tưởng của Spinoza đã hun đúc tinh thần hiếu khách, phóng khoáng của dân tộc Hòa Lan mà thế giới hiện nay ai cũng thán phục.  Hiện giờ tại thành phố La Haye, người Hòa Lan thiết lập một Trung tâm nghiên cứu về tư tưởng Spinoza mà học giả ngoại quốc nào cũng đến thăm viếng.

“Chiều ngày 31 tháng 10 năm 1985, tôi gởi Thầy quyển sách vì nghĩ rằng chỉ có Thầy mới hội đủ điều kiện giúp đở học sinh Việt Nam khai triển văn hóa khả dĩ giúp họ, nếu có thể được, hoàn thành lý tưởng nói trên.  Biết đâu trong nửa triệu người di cư sang Mỹ lại chẳng có một Spinoza Việt Nam, và người đó là học trò của Thầỵ  Một nhà văn trúng giải Nobel (Pearl Buck?) năm 1963 có nói:  La vie est faite d’espoir, et l’espoir fait vivre”

Đây là bức thư đầu tiên Bác Sỹ Quan gởi cho tôi với những ý kiến rât cấp tiến về chức năng của một người dạy ngoại ngữ, nhất là vào thời điểm 1985 tại Viêt Nam, những ý kiến đã động viên tinh thần tôi và làm tôi suy nghĩ rất nhiều về công việc mình đang làm và phải làm để xứng đáng với kỳ vọng của một bậc phụ huynh có một tầm nhìn như Ông.  Cũng chính bức thư này là một cái duyên đưa dẫn tôi đến với Ông và sau đó học hỏi với Ông cho đến ngày Ông cùng gia đình lên đường sang Hòa Lan theo diện đoàn tụ với một người con gái lớn lập nghiệp ở đó vào cuối thập niên 1980.
Đối với số đông anh em chúng tôi sau những năm tù cải tạo về, có hai loại hình sinh hoạt khá phổ biến: tập Thái cực dưỡng sinh để phục hồi sức khỏe, ngăn ngừa bệnh tật, và dành nhiều thì giờ hơn để chăm sóc đời sống tâm linh.  Về sinh hoạt thứ hai này, trước tôi đã có nhiều nhóm được Bác Sỹ Quan hướng dẫn nghiên cứu, học tập các bộ kinh Phật giáo Đại thừa cũng như các phương pháp tu tập của các Tổ mà kinh sách còn giữ được.  Phần lớn các người nghe Ông giảng pháp đều là những vị có tuổi, có học vị cao, có chức phận trong chính quyền cũ, có người là bạn của Ông, xấp xỉ tuổi Ông. Trong số đó bây giờ có người đã xuất gia, thọ giới, có người phát tâm tu tại gia như anh chị Bùi Nhử Tiếp (bào huynh của GS Bùi Nhử Trụ, Văn Hoá Vụ/TVBQG; anh tốt nghiệp ngành cầu, đường ở Pháp, còn chị là dược sỹ), có người ghi lại các kinh nghiệm thực chứng của chính mình để phổ biến trong anh em đồng đạo như Nhi Bất Nhược (tục danh Nguyễn Năng Nhu, cựu tù cải tạo cấp tá), tác giả tập sách “Giải Thoát Tức Thì”.

Riêng tôi may mắn được Ông hằng tuần đến tân nhà giảng pháp cho nghe. Cũng tại cái bàn dài trong phòng khách mà ngày ngày tôi vẫn dạy học, tôi trở thành một đệ tử chăm chú lắng nghe và ghi chép, còn Ông đứng trước bảng đen với cục phấn trắng trên taỵ  Ông rất có tài ăn nói hấp dẫn, mạch lạc, bao giờ cũng hoạt bát, lưu loát, minh họa bóng bảy, ngôn từ đầy những ẩn dụ, so sánh độc đáo, hình ảnh sống động, khi phân tích thì sâu sắt, dẫn chứng phong phú, khi tổng hợp thì khúc triết, minh bạch, thắc mắc ở đâu Ông giải đáp ở đó rõ ràng, dẫn chứng đầy đủ.  Ông giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh, đọc được tiếng Phạn, tiếng Pali, viết được chữ Hán, cho nên buổi giảng nào của Ông cũng rất lý thú.  Chỉ một từ trong kinh nhiều khi Ông phân tích, giảng giải cả buổi.  Tôi là người dạy ngoại ngữ lâu năm mà nghe Ông giảng kinh cũng phải mê, còn mê hơn cả nghe các Thầy mà tôi đã được dịp nghe giảng pháp ở chùa.

Hồi đầu chỉ có một mình tôi  Sau một thời gian một số các bạn đồng nghiệp của tôi ở Đại học Văn khoa và Đại học Sư Phạm nghe tiếng Ông cũng đến tham dự.  Những điều tôi tiếp thu trong những buổi giảng này cũng như rất nhiều những bức thư kế tiếp mà Ông viết riêng cho tôi là những bài học quý giá nhất đời tôi đã ảnh hưởng rất lớn đến cách nhìn và lối sống của tôi từ đó cho đến naỵ  Bởi vậy mà tôi trân trọng nghĩ tưởng về Ông như một ân sư.

Mỗi lần từ Hòa Lan qua Mỹ thăm bà con Ông đều gọi điện thoại cho tôi để tôi đến thăm Ông, mời Ông thời cơm chay, hoặc đưa Ông đi ngoạn một cảnh chùa. Ông mất gần nay ở Hòa Lan, nhẹ nhàng, thanh thoát, sau một cơn đau tim đột ngột.  Bút tích của Ông để lại cho tôi, tôi vẫn còn giữ.  Và hai tiếng “biết đâu” của Ông trong bức thư đầu tiên gởi cho tôi, tôi vẫn nhớ.  Với tất cả hy vọng là –không phải trong số những sinh viên đã theo học với tôi—mà trong số những con em trong các cộng đồng Việt Nam thuộc thế hệ thứ hai tại Hoa Kỳ cũng như ở các nước trên khắp năm Châu, sẽ không chỉ có một mà còn có nhiều “Spinoza Việt Nam” với những đóng góp xứng đáng để đời đối với nền văn hóa của những đất nước đã cưu mang, đùm bọc mình.  Đúng như kỳ vọng của ân sư tôi.

07 tháng 08 năm 2008,
Nguyễn Văn Sở

(Trích nguồn "www.khoahoc.net )

Trân trọng giới thiệu
đến Ban Bè cùngThân Hữu
Sanjose,06/2009
Ban Biên Tập -Gia Đình QGNT

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
have been 981 visitors, 3 visitors (3 hits) on this page!
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free