KyThuatQGNTSaiGon  
 
  Miền ký ức... 05/05/2024 12:55pm (UTC)
   
 

5:am thức dậy chuẩn bị cho công việc của ngày mới. Nghe tiếng gà gáy đâu đó.Sửng sốt…ở những ngày đầu khi dọn về Gò Vấp,trong cái TP đông dân,tấc đất tấc vàng,kiếm đâu ra tiếng gà gáy sáng nhỉ ?
Đã lâu rồi, không nghe được tiếng gà gáy sáng.Bất chợt nghe và bất chợt nhớ quê nhà.Bất chợt thèm cái không khí trong lành của miền biển,nơi đó có tiếng sóng vỗ,dương reo,tiếng gọi nhau ơi ới vào sáng sớm khi từng chiếc ghe cá đi ăn đêm về.

Kỷ niệm ùa về, vỡ òa !!!
Ngày xưa khi còn là học sinh trung học (lớp đệ Ngũ), mỗi sáng cũng vào giờ này,Mẹ gọi dậy để rửa chuồng gà,lượm trứng,cho chúng bữa ăn sáng,mãi rồi thành thói quen.Không cần Mẹ gọi,không cần đồng hồ báo thức, vẫn dậy đúng giờ khi nghe tiếng gà gáy sáng.
Vào lính ở xứ sương mù,xa nhà, xa quê,xa cách cuộc sống phồn hoa...

“ Giã từ mái tóc người thương
Giã từ môi mộng còn vương ân tình
Vào đây chấp nhận gian nan
Không sờn nguy khổ, không màng hiển vinh…”

Hiện tại thỉnh thoảng cũng thấy nhớ, nhưng cuộc sống ồn ào nơi phố thị đã níu chân,chẳng còn thời gian mà “ hoài cổ .”
Lâu rồi,không về thăm quê,thèm được nghe tiếng sóng vỗ,thèm được hít thở cái không khí không nhuộm màu bụi bậm.Nhưng chắc gì giờ này quê còn như xưa ?Đô thị hóa ! Công nghiệp hóa tất cả !!!
Mẹ cũng không còn bên năm chị em, Mẹ đã đi về với Ba hơn 20 năm….Mổi năm vào ngày Mồng 1 Tết, năm chị em lại quay quần bên bàn thờ Ba Mẹ, thắp nén nhang “ Cầu xin vong hồn Ba Mẹ được siêu thoát.”
Không còn háo hức ở cái tuổi U 50,nhưng trong lòng cũng thấy rộn ràng khi Tết đến, đôi lúc có ý nghĩ:

Tết này, nhất định sẽ về thăm quê.”
Ngẩn người, lại thấy nhớ mông lung…
Chợt tiếng gà im bặt.Thì ra,chỉ là tiếng chuông đồng hồ báo thức của nhà bên cạnh…

Ca trực Mồng 2 Tết Kỷ Sửu 2009.

 

Tản Mạn cuộc đời

“Mỗi mùa Xuân qua Mẹ tôi…”. Nếu còn sống, giờ này Mẹ đã ngoài 80. Cuộc đời Mẹ đã gắn liền với Con hay cuộc đời Con là những nỗi buồn mà Mẹ phải gánh vác !!!
…………………..
Năm 1960, quê nhà là xóm dân chài mộc mạc, vùng “ xôi đậu “, ”sáng Quốc Gia, chiều Việt Cộng “, nhận được hung tin Ba mất, Mẹ đã ngất xỉu bao lần với chiếc bào thai vừa mang vài tháng. Lúc đó Con 6 tuổi, quá ngây thơ, không biết đớn đau của sự mất mát, vô tư, không nước mắt và sau đó chỉ thấy nhà vắng vì Ba không bao giờ về thăm Mẹ và các Chị Em con nữa!!! Mẹ không thấy mặt Ba lần cuối,thân xác Ba bị “ sình thối “,lũ quạ đen đã mổ rỉa… Ba không còn nguyên vẹn,chỉ nhận dạng  được nhờ chiếc răng vàng của Ba.

Vài ngày sau,bạn thân của Ba bị Việt Cộng trói vào cột đèn giữa chợ và đầu thì lủng lẳng vì đã bị chặt…Mẹ không đủ can đảm ở lại quê nhà,còn chút tài sản, Mẹ cùng chị vú và các con đã lìa xa nơi “ chôn nhau cắt rún “ để lên TP tá túc.Thai nhi ngày càng lớn, chân ướt chân ráo nơi xa lạ,Mẹ đã làm những gì làm được để dành lấy sự sinh tồn.Mẹ gian truân từ dạo ấy…Mẹ “ hận thù “ ,Mẹ căm ghét,nếu Bà Nội không ngăn cản kịp thời thì Con đã vào trường Thiếu Sinh Quân lúc ấy.

Sợ không nuôi dưỡng được đứa con trai duy nhất còn sót lại trong 5 anh em trai, sợ con bị bơ vơ giữa dòng đời và Mẹ muốn con phải nuôi chí trả thù cho Ba. Cái hận thù truyền kiếp mà cho tới ngày Mẹ mất, Mẹ cũng không một lần về thăm quê nhà.Không rõ lắm,lúc đó như thế nào mà Mẹ đã gánh vác,nuôi 4 Chị em và bào thai trong bụng.Ông Bà cũng động lòng,phù hộ cho Mẹ để vượt qua mọi gian khổ.Hai năm sau, tình hình gia đình và cuộc sống tạm ổn,Chị vú từ giã Mẹ để trở về quê.Chị sống và giúp đỡ gia đình không cần tiền bạc,chỉ vì chữ ân, chữ nghĩa của tấm lòng chân thật.Xã hội bây giờ làm gì tìm ra được những người như Chị.Mỗi năm,Chị đều lên TP thăm Mẹ,quà là những con khô cá “ thiều “,hủ mắm ruốc… đặc sản của miền quê thân yêu .Công việc nhà và chăm lo cho các Con trở nên nặng nhọc trên vai Mẹ từ khi không còn chị vú.

Con về sống với Bà Nội,ở nội trú tại nhà thờ “ Xóm Chiếu”,con sống với sự nghiêm khắc của các Soeur. Bạn bè chung quanh đã khóc mỗi chiều thứ 7 không được đón về,riêng con, con nghe những tiếng ếch, nhái kêu khi chiều xuống mà trầm tư,lầm lì và cảm nhận được sự thiếu vắng Ba.

Mẹ có việc làm nhờ sự giúp đỡ của các Dì,được cấp nhà trong cư xá Thủ Đức.Với mức lương của công chức Bộ Nội Vụ tương đối ổn định,Mẹ đã đón Con về sống cùng gia đình sau hơn 2 năm ở nội trú. Năm Chị Em dần khôn lớn với thời gian,chi tiêu ngày càng nhiều,Mẹ phải xin thêm việc làm tại “ trường đua Phú Thọ “ vào chiều thứ 7 và Chủ Nhật. Hết cực nhọc này đến khó khăn kia cứ đè trên vai Mẹ, nhưng Mẹ đã vẫn đứng vững,Mẹ là tấm gương vươn dậy trong nổi khổ đau.Suốt thời gian ấy cũng có những mối tình đến với Mẹ,nhưng nhìn đàn Con thiếu vắng Cha mà Mẹ đã đè nén lòng…
Sau thời gian công tác,Mẹ được chuyển về SaiGon. Năm Chị Em học trường QGNT,niềm hân hoan và hãnh diện của Mẹ là những phần thưởng của các con ở cuối mỗi năm học...Thời gian cứ trôi, khi hay tin con đậu Tú Tài II kỹ thuật (năm 1972) Mẹ tươi cười rạng rỡ,bao nhiêu khổ cực đã tan biến thay vào đó là niềm tự hào về đứa con trai của Mẹ…Nhưng cũng năm đó,con đã từ giã Mẹ,chị và các em theo đường binh nghiệp,một thoáng buồn trên gương mặt,niềm
vui đến với Mẹ quá ngắn,giờ phải tiển và lo lắng cho đứa con trai tiếp bước chồng vào nơi “lửa đạn.” Con đã trưởng thành trong sự gian nan,khổ luyện ở chốn sương mù,nhưng dưới cái nhìn của Mẹ,con vẫn là đứa trẻ ngày nào .Mỗi tháng Mẹ đều gửi thực phẩm tiếp tế, lũ bạn cùng Đại đội cứ theo trêu chọc…

Vận nước đổi thay,“sâu bọ lên làm người”.Con đi học tập cải tạo nơi rừng sâu,nước độc.Gia đình ở nhà thì bị Việt Cộng đuổi ra khỏi Cư Xá (không cho đem theo vật dụng.) Ra đi với đôi bàn tay trắng, còn chút “của dư” Mẹ mua căn nhà tole lụp xụp sau Đình Phú Nhuận.Con thì mãi biền biệt nơi đâu??? Mẹ lo âu thấp thỏm từng ngày .Một lần nữa,phải gánh vác, đôi vai Mẹ nặng trĩu, giữa trưa nắng chỉ có “ bộ bà ba “ và chiếc nón lá,Mẹ ăn tạm vài trái chuối,uống hớp trà đá và ngồi nghỉ chân bên vỉa hè để kiếm từng lon gạo cho các con trong những nổ lực cuối đời .

Mẹ đã già đi trước tuổi,trong khoảng thời gian cơ cực ấy cũng may nhờ có sự giúp đỡ ,động viên tinh thần của những thắng bạn thân và rất thân: Cao , Cư,Trung…nên Mẹ bớt những nổi lo về số phận của con.Thời bao cấp, “ gạo châu, củi quế “,cơm không đủ no,áo không đủ mặc,Mẹ đã bương chãi trên những nẻo đường,dành dụm từng món ăn để có dịp là lên thăm con trong “ tù cải tạo.” Nước mắt Mẹ ngấn lệ, Mẹ nhìn thằng con trai đã “gãy cánh” giữa tuổi thanh xuân…3 năm cải tạo về TP chưa được 3 tuần, con bị “ tống “ lên “ Kinh Tế Mới “. Mẹ lại lần mò lên thăm và tiếp tế cho con hằng tháng…Cuộc sống của Mẹ biết bao chặng đường chông gai và khổ cực…cũng chỉ vì thương con. Mẹ đã theo con từng địa danh : Miền đất đỏ Long Giao, Đồng Xoài , Phước Long , Sóc Bombo, Bùi Gia Phúc, Vỏ Đắc Vỏ Xu ( Xuân Thành Long Khánh )…Mẹ đi bộ hằng mấy cây số,băng rừng,hai tay nặng trĩu giỏ đồ thăm nuôi, nhưng Mẹ nào ngại tuy sức đã yếu đi nhiều.

Nơi Kinh Tế Mới,không chịu nổi sự cơ cực của Mẹ, Con đã trốn về sống với gia đình.Vừa vui mừng nhưng Mẹ cũng lo âu,Con biết điều đó,biết cuộc đời Mẹ đã dành cho Con…Con lại giã từ Mẹ để lên “ Nông trường Duyên Hải.” Sáu năm miệt mài nơi nước ngọt không có đủ để tắm,mỗi sáng chỉ được phát 1 ca để đánh răng rửa mặt nhưng bù lại Con được về phép thăm Mẹ vào mỗi cuối tháng…Tim Mẹ đau nhói,nhìn thằng con cứ phải gian nan khổ cực, nhưng sự khổ cực của Mẹ còn gấp trăm ngàn lần mà chưa bao giờ thấy Mẹ than vãn.Me. ơi !chưa bao giờ con trả được chữ hiếu cho Mẹ. cuộc sống theo tháng ngày đã cuốn mất sức lực của Mẹ.

Mẹ ra đi trong sự yên lành,không đau đớn,có lẽ ơn trên đã cho Mẹ cái diễm phúc sau cùng của cuộc đờị Mẹ đã theo Ba cho trọn đạo sau khi các con khôn lớn, trải qua được những gian truân và đã “ thành nhân “. Mỗi Tết về, mấy chị em bên bàn thờ Ba Mẹ, thắp nén nhang,cầu chúc vong hồn Ba Mẹ sớm siêu thoát và về ăn Tết cùng chúng con.Bao năm nuôi dưỡng,cơ cực cùng các con nhưng Mẹ không bao giờ đòi hỏi sự đền đáp, Mẹ cũng không cần “ Vinh danh “, Mẹ chỉ biết mong mỏi một điều :” Các con phải thương yêu, đùm bọc cho nhau “,như ngày xưa không còn Ba, Mẹ đã lo cho các con đến hơi thở cuối cùng.”

Ca trực mùng 4 Tết Kỷ Sửu,
Thọ Phạm
  
Trân trọng giới thiệu đến Ban Bè cùng Thân Hữu.
Sanjose,06/2009
 BanBiênTập-GiaĐìnhQGNT

 
 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
have been 981 visitors, 11 visitors (17 hits) on this page!
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free